Gà mổ lông nhau

• Gà cắn mổ lông nhau hiện nay đã được coi là một bệnh phổ biến trong nghề nuôi Gà

• Bệnh diễn ra bất ngờ, bùng phát nhanh, tỷ lệ chết thì tùy vào AE có xử lý kịp thời hay không

• Hậu quả để lại khá nghiêm trọng, nhẹ thì gà bị trụi lông, khó bán, nặng thì gà mổ nhau đến chết

• Bệnh gà cắn mổ lông nhau xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể do giống gà, mật độ nuôi, thời tiết, thức ăn,...

→ Mời AE đọc kỹ bài viết dưới đây để điều trị dứt điểm nhé !

Hội Nuôi Gà Việt Nam
Hỗ trợ phía dưới màn hình

1. Biểu hiện khi gà mổ lông nhau

• Nếu bệnh diễn ra âm thầm ở thể mãn tính (thường là ở các hộ chăn nuôi ít mà có vườn thả rộng) thì gà chỉ trụi lông, nhất là vùng lông đuôi, lông lưng.

• Còn khi AE nuôi với mật độ đông, Gà có thể mổ nhau chảy máu, càng chảy máu lại càng kích thích các con gà khác mổ vào đó, khiến gà bị chảy máu, viêm nhiễm, thậm chí bị rút ruột mà chết.

2. Tại sao gà mổ lông nhau?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gà cắn mổ, ăn lông lẫn nhau, AE cần tìm hiểu để có biện pháp xử lý phù hợp nhé

• Thường gà mổ lông nhau xảy ra vào mùa hè. Nắng nóng khiến gà bị Stress, khó chịu dẫn đến việc chúng cắn mổ ăn lông lẫn nhau

• Dĩ nhiên nuôi với mật độ đông cũng là nguyên nhân chủ yếu.

• Ngoài ra còn do giống gà, điển hình như gà đông tảo, hoặc lai đông tảo, những giống gà mà AE cứ nghĩ là auto trụi lông. Do nhu cầu dinh dưỡng của các giống gà này cao hơn các giống gà khác.

• Gà mổ nhau, ăn lông lẫn nhau cũng có thể do thiếu chất, nhất là vào giai đoạn gà mọc lông máu ( thường sau 1 tháng úm), đây là lúc Gà cắn mổ nhau mạnh nhất, do nhu cầu dinh dưỡng thiếu hụt trầm trọng, khiến gà phải đi tìm nguồn thức ăn bổ sung. Và lúc này những cọng lông máu đang mọc lún phún trên lưng, trên cánh của đồng bọn thì lại quá hấp dẫn. Khi mổ vào đó lại có máu tanh chảy ra càng gây kích thích cho cả đàn, từ đó bùng phát bệnh mổ cắn nhau cho cả chuồng.

Gà lại đông tảo trụi lông do cho ăn thiếu chất, khiến gà ăn lông của nhau

• Còn rất nhiều nguyên nhân khác khiến gà mổ lông nhau ở các mức độ nhẹ như: Gà bị rận mạt, bọ chét, gà đẻ thiếu canxi hoặc nuôi toàn Gà trống cũng khiến gà đánh nhau, mổ nhau chí chóe cả ngày.

→ Chính vì có rất nhiều nguyên nhân khiến gà mổ lông nhau nên để xử lý triệt để AE cần làm theo từng bước dưới đây nhé!

3. Các bước xử lý khi gà mổ lông nhau

Bước 1: Xử lý triệu trứng cấp bách khi gà mổ cắn nhau

• Việc đầu tiên AE phải làm là cách ly luôn những con bị chảy máu, vì chảy máu sẽ càng kích thích những con gà khác mổ vào đó, tạo thành thói quen xấu cho cả đàn, làm bệnh bùng phát càng nhanh.

• Những con chảy máu AE cần bôi xanh Etylen luôn , mục đích là để cầm máu, chống viêm, và hết màu đỏ, giảm kích thích những con gà khác mổ vào đó.

• Tiếp theo AE cho toàn đàn uống điện giải Bcomplex giải Stress, kết hợp với vitamin K để cầm máu và Paracetamol để hạ sốt, chống viêm nhé.

Bước 2: Cách làm gà hết cắn mổ lông nhau

Có 2 cách mà nhiều AE nuôi gà đang áp dụng để làm gà không cắn mổ nhau.

• Cách 1: Cắt mỏ cho gà - AE dùng máy cắt mỏ hoặc máy là mỏ để cắt 1/3 mỏ của gà đi, mục đích để mỏ gà không còn sắc nhọn, gà mổ nhau nhưng không gây chảy máu nữa.

Đây là cách rất phổ biến, nhất là ở các trại lớn, nhưng nó có một nhược điểm là, nếu AE cắt mỏ gà sâu quá thì gà ăn uống lại khó khăn do không gắp được thức ăn, còn nếu cắt nông quá thì gà vẫn giật và ăn lông nhau được.

Hình ảnh 2 loại máy là mỏ và máy cắt mỏ đang thông dụng trên thị trường

Còn lựa chọn giữa máy cắt mỏ và máy là mỏ thì AE nên chọn máy là mỏ nhé! Thứ nhất là giá máy là mỏ rẻ hơn máy cắt mỏ, thứ 2 là máy là mỏ thì 2 người làm được cùng lúc, thứ 3 là không làm dập mỏ gà. Chứ nếu dùng máy cắt mỏ gà ( dập tự động) khi cắt gà con thì không sao, chứ khi AE cắt gà lớn rất dễ làm dập mỏ gà, ngoài ra thao tác trên máy cắt mỏ sẽ chậm hơn máy là mỏ rất nhiều

• Cách 2: Đeo kính cho gà - nghe có vẻ mới lạ với một số AE mới nuôi nhưng thực ra phương pháp này đã được AE nuôi gà trong nước cũng như ở nước ngoài áp dụng từ lâu. Ở các trang trại lớn như Dabaco, CP, Giống gia cầm Đại Xuyên cũng đang áp dụng rộng rãi.

Đeo kính cho gà mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp cắt mỏ gà.

Hình ảnh đàn gà toàn trống mà lông lá vẫn mượt mà nhờ đeo kính

Đeo kính xong, lập tức gà sẽ ngoan ngoãn và hết hiện tượng đuổi đánh cắn mổ nhau. Vì khi đeo kính gà chỉ nhìn ngang được, nhìn những vật đứng yên thì vẫn OK nhưng những vật chuyển động thì sẽ khó hơn. Nên gà không đuổi đánh cắn mổ nhau được nhưng ăn uống đi lại leo trèo vẫn bình thường.

Mặt khác, kính gà người ta làm bằng nhựa màu đỏ, giống với màu máu khiến con gà không còn mổ vào vết thương của nhau được.

Tuy nhiên phương pháp đeo kính gà cũng có nhược điểm là AE cần dọn dẹp sạch dây dợ  linh tinh trong chuồng tránh để mắc vào kính và nhớ là khi đeo kính cần cho gà uống thuốc kháng viêm.

 → Dù dùng phương pháp cắt mỏ hay đeo kính thì AE cũng cần để ý tới sức khỏe của Gà, không nên làm vào lúc gà đang bị bệnh, không nên làm cùng với lịch vacxin và nhớ là cho gà uống thuốc hạ sốt, chống viêm trước và sau khi làm.

Bước 3: Cách giúp gà mọc lông đầy đủ và phòng ngừa bệnh mổ nhau

• Làm sạp đậu hình thang cho gà - mang lại nhiều hiệu quả như tăng thêm diện tích chuồng nuôi, khi đậu trên sạp dạng hình thang, gà chỉ đậu quay trước quay sau, nên sẽ không dẫm đạp lên nhau, không ăn được lông của nhau. Mặt khác gà đậu trên sạp sẽ ít tiếp xúc với nền chuồng, ít hít phải khí độc Amoniac NH3 dưới nền chuồng, hạn chế bệnh hô hấp. Theo như trải nghiệm của nhiều AE thì gà nuôi trong chuồng có sạp đậu hình thang sẽ có bộ lông mượt mà hơn, ít cắn mổ nhau hơn. Một phương pháp vừa rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cực tốt, tội gì mà không áp dụng phải không AE.

sạp đậu cho gà hình thang

Không phải ngẫu nhiên mà gà lại có tập tính thích ngủ trên cao. Nếu gà ở quá lâu dưới lớp độn chuồng, amoniac NH3 sẽ hòa tan với chất lỏng xung quanh mắt của gà, gây kích ứng và viêm mắt. Với nồng độ cao hơn, gà có thể bị mù.

Ngay cả khi nồng độ amoniac trong các trang trại chăn nuôi gà ở mức 5 ppm (không thể phát hiện được bằng mũi người), thì các lông mao trong đường khí quản của gà cũng bị tổn thương và phá hủy bởi amoniac dẫn đến lớp lót khí quản bị ăn mòn và trở nên nhạy cảm với các mầm bệnh. Nhất là các virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như mycoplasma, ILT, Cozyla, APV,... làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của gà.

• Tiếp theo là nuôi gà trên sân cát - AE chỉ cần dùng cát đen nếu có cát vàng thì càng tốt, trải vào khu vực sân chơi cho gà với độ dầy từ 15 → 20 cm. Tác dụng của việc nuôi gà trên sân cát mang lại rất lớn, giảm tối đa ô nhiễm và các bệnh đường tiêu hóa như E.Coli, cầu trùng,... vì khi nắng, cát sẽ nóng rất nhanh, và tiêu diệt hết các mầm bệnh và các ký sinh trùng bên trong. Ngoài ra cát thoát nước nhanh, dễ vệ sinh, cứ 1 - 2 ngày AE chỉ cần quét qua lớp mặt là đã loại bỏ được phân và lông lá rơi rụng. Ngoài ra nuôi gà trên sân cát cũng giúp gà loại bỏ được rận mạt, giảm stress từ đó giảm tỷ lệ gà cắn mổ lông nhau.

nuôi gà trên sân cát

• Cân bằng lại chế độ ăn uống dinh dưỡng của gà. Sử dụng loại cám đúng với giống gà và độ tuổi của chúng, tránh dùng cám công nghiệp cho gà thả vườn dễ bị gout, tránh những loại cám rẻ tiền, thiếu uy tín, kém chất lượng khiến gà phát triển chậm, thiếu chất dinh dưỡng hoặc mất cân bằng dinh dưỡng.

gà mổ lông nhau gà bị trụi lông, cách mọc lông cho gà

→ Gà mổ lông nhau là một bệnh khá đơn giản, nhưng nếu không điều trị triệt để sẽ gây thiệt hại cho AE không hề nhỏ, gà phát triển chậm, lâu được xuất chuồng tăng chi phí thức ăn, mẫu mã không được đẹp, dễ bị thương lái ép giá. Chính vì vậy AE cần làm đủ 3 bước trên để điều trị hoàn toàn cho gà, giúp gà phát triển bộ lông đầy đủ. 

Bài viết được tổng hợp từ những kinh nghiệm sương máu nuoi ga của rất nhiều AE trong nghề, nếu có phần nào không hiểu AE nhắn tin ở mục "Hỗ trợ" phía góc màn hình hoặc tham gia vào Hội Nuôi Gà Việt Nam trên Facebook để chia sẻ thêm nhé!

https://www.facebook.com/groups/hoinuoigavn/